Tâp podcast này đi kèm với Bước 1 – Chọn chủ đề cho podcast, dành cho những người vẫn đang băn khoăn chưa chọn được chủ đề hoặc muốn kiểm tra sự khả thi của một chủ đề nào đó.
Những bài tập mình sắp giới thiệu sau đây dựa trên những gì mình học được từ các podcaster và marketer đi trước, mình nhận ra không chỉ cho podcast mà còn khi chúng ta cần brainstorm ý tưởng thì bài tập này thực sự hiệu quả. Sau khi bạn đã tìm ra đối tượng người nghe mong muốn, bạn có thể lên một danh sách chủ đề mà họ sẽ thích rồi kết hợp với bài tập trong bài này.
Bài tập thứ nhất:
Cần chuẩn bị 1 dụng cụ hẹn giờ, giấy và bút viết.
Kẻ trên giấy một bảng gồm 3 cột ghi 3 đề mục Sở thích + Nhiệt Huyết + Kinh Nghiệm
Trong 3 tới 5 ngày tới, hãy dành ra mỗi ngày 15 phút, nhớ là hẹn giờ đúng 15 phút không hơn nhé và điền vào 3 cột đó. Đây là hoạt động hay được gọi là braindump trong tiếng Anh.
Câu hỏi đặt ra cho mỗi cột như sau:
Sở thích
Điều gì làm bạn thích thú?
Điều gì người khác làm mà bạn thấy hay ho?
Sở thích hay hobby của bạn khi rảnh rỗi là gì?
Những show bạn thích là show nào và nội dung của họ là gì?
Bạn muốn học điều gì nhất vào lúc này?
Nhiệt huyết
Bạn sẽ làm gì nếu mỗi ngày bạn sẽ có thêm 2 giờ đồng hồ?
Điều gì bạn có thể trò chuyện với người khác hơn 3 giờ đồng hồ mà không chán?
Không chỉ là một thứ bạn thích mà bạn còn muốn đào sâu, mày mò thường xuyên
Thứ gì bạn sẵn sàng làm dù không được trả công
Thứ gì khiến bạn có thể dậy sớm hơn mỗi ngày hoặc ngủ muộn hơn 1h mỗi ngày, thậm chí làm việc vào cuối tuần
Kinh nghiệm
Một kỹ năng sẵn có
Một kiến thức bạn nghĩ đã tìm hiểu chuyên sâu
Một thử thách bạn đã vượt qua
Một điều nhiều người làm chật vật không xong trong khi với bạn thì thật dễ dàng
Bạn có đạt được bằng, chứng chỉ hay có số năm cụ thể thực hành về điều nào đó?
Điều bạn thường hay nhận lời khen từ người xung quanh (có thể đi hỏi bạn bè, đồng nghiệp, người thân để liệt kê thêm) Có thể hỏi họ “Điều gì bạn thấy tôi làm tốt nhất?”
Bạn có thấy điểm giao thoa giữa sở thích của bạn và chủ đề mà người nghe hứng thú?
Nên nhớ rằng không một ý tưởng nào là tệ trong giai đoạn brainstorm này. Đừng lo lắng nếu không nghĩ ra được bạn có chuyên môn hay khả năng gì đặc biệt vì có những việc bạn cảm thấy bình thường lại có thể rất bổ ích với người khác. Cũng đừng quên là chúng ta sẽ không đứng một chỗ với podcast, bạn sẽ trau dồi hiểu biết của mình từng ngày chứ không chỉ dừng lại ở những gì bạn có ngày hôm nay.
Bài tập số 2: Tìm điểm chung trong cột Nhiệt huyết và kinh nghiệm
Sau khi thực hiện 5 ngày với bài tập đầu tiên và không thể điền thêm gì nữa, hãy tìm những điểm chung giữa cột Nhiệt huyết và Kinh nghiệm. Những điểm chung này sẽ là nơi bạn tìm ra topic cho podcast của mình. Theo anh John Lee Dumas từ entrepreneur on fire thì chỗ này được gọi là Zone of Fire.
Sau khi có được kết quả ở bài 2, nếu bạn vẫn thấy còn nhiều topic không liên quan tới nhau thì chúng ta cần tới vũ khí tiếp theo có tên là “Sự khác biệt”.
- Trong những ý tưởng chủ đề podcast mà bạn có, cái nào sẽ khiến podcast của bạn nổi bật, khiến bạn khác với những show sẵn có? Đây là một câu hỏi phụ khá quan trọng vì nó có thể mở ra đường hướng về tần suất ra tập mới và hình thức show của bạn. Ví dụ như bạn định làm podcast với độ dài 1 giờ mỗi tập, ở đó phỏng vấn hoặc tổng hợp tin tức về marketing, bạn thấy hình thức này có nhiều show làm rồi, bạn có thể thay đổi format dạng daily show, ra podcast hàng ngày với độ dài chỉ 5’ thôi và trong 5’ đấy bạn sẽ chia sẻ 1 tips duy nhất về marketing.
- Dù hiện tại chưa có nhiều podcast tiếng Việt nhưng bạn cũng nên nghĩ về sự khác biệt của bạn để podcast của bạn sẽ vẫn nỗi bật/khác biệt kể cả khi có nhiều kênh podcast cùng chủ đề đi chăng nữa.
Bài tập số 3: Nghĩ ra ít nhất nội dung cho 10 số podcast
Bài tập này có khả năng kiểm tra ý tưởng rất tốt.
Sau khi ra được một số topic rồi, hãy thử tư duy chủ đề của ít nhất 10 tập Podcast cho mỗi topic đó và xem xem cái nào bạn có thể brainstorm được nhiều hơn. Đây là bước giúp thể hiện rõ đam mê, sở thích và giao thoa giữa kinh nghiệm, vì có thể nhiều cái bạn mê nhưng chưa hiểu biết đủ để lên kế hoạch nội dung.
Và đó là 3 bài tập động não giúp tìm ra chủ đề và sáng tạo nội dung. Bạn có thể tải bản pdf ở phía dưới để tiện thực hiện bài tập nhé!
Nhớ chia sẻ trên group Làm Podcast với The Blue Expat trên Facebook để chia sẻ ý tưởng và nhận góp ý từ mình nếu cần nhé!
Hẹn gặp bạn vào tuần sau!
Happy Brainstorming!