Có một thời lượng nhất định nào đó cho các số podcast hay không?
Nếu podcast của tôi quá dài, thì có nên chia thành nhiều số để tăng lượt nghe hay không?
Đây là hai câu hỏi được đặt ra từ chị Diệu Huyền từ kênh Huyền Expat mà Po trả lời trong số podcast. Chúng ta cùng đi cụ thể vào từng câu hỏi.
Độ dài tập podcast
Là một người nghe podcast, bạn thậm chí có thể nghe những kênh với thời lượng từ 60 phút trở lên. Trường hợp thành công nhất là Joe Rogan với những cuộc phỏng vấn kéo dài tới cả …3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, sau khi phát podcast một thời gian, bạn nhận ra lượng người nghe ngày càng giảm, số lượt nghe nhiều nhất nằm ở các tập đầu tiên, điểm đáng chú ý là đó là những tập có thời lượng ngắn.
Khi phần lớn những nội dung được tiêu thụ nhiều hiện tại đều đang đua nhau làm thật ngắn, bạn băn khoăn liệu đó có phải là lí do khiến những số có thời lượng ngắn hơn được nhiều người nghe hơn hay không?
Liệu có một thời lượng tối ưu dành cho podcast không?
Câu trả lời của mình là: không có một tiêu chuẩn nào về thời lượng của podcast và cũng không có một sự đảm bảo chắc chắn rằng podcast càng ngắn thì sẽ càng có nhiều lượt nghe.
Vậy làm sao chúng ta có thể tìm ra được công thức hợp lý cho kênh podcast của mình?
Với những người còn đang ở giai đoạn đầu tiên, khi lượt nghe của bạn còn dưới 500 lượt, Po khuyên rằng bạn hãy sản xuất những số podcast với thời lượng trong khả năng của bạn. Trừ phi bạn đã có một định dạng (format) cố định khi xây dựng ý tưởng kênh podcast. Một ví dụ cho trường hợp này là kênh Podcast 25 phút mà Po đã có dịp phỏng vấn trên Mùa 2 – Podcasters’ chat.
Có những bạn không thể thực hiện được số podcast với độ dài 25 phút vì nói được 10 phút thì đã hết nội dung. Nhưng cũng có những bạn muốn giữ podcast trong vòng 20 tới 30 phút mà hầu hết tập nào cũng bị thu lố giờ mà không sao cắt chỉnh được. Khả năng của chúng ta không giống nhau. Hãy cân nhắc nội dung của mình và khả năng sản xuất nội dung (bao gồm viết kịch bản, khả năng chỉnh sửa bản thu,…) để chọn một định lượng hợp lí về độ dài của mỗi tập phát sóng.
Sau khi có được số liệu nhiều hơn để đánh giá, bạn có thể tạm kết luận về thời lượng mà người nghe trên kênh của bạn lựa chọn nhiều nhất bằng hai câu hỏi:
- Các tập có thời lượng trong khoảng x phút thì được nghe nhiều nhất?
- Tỷ lệ giữ chân người nghe (Retention Rate) trung bình là bao nhiêu phút?
Tuy nhiên, đây chỉ là một sự định lượng chủ quan, bởi vì còn có yếu tố về nội dung của bạn, liệu nó có đủ hấp dẫn và giữ chân người nghe? liệu bạn đã đặt tiêu đề gây chú ý? liệu bạn có đang đi theo đúng hướng nội dung của kênh hay có những lần chệch chủ đề sang một hướng khác? và còn nhiều nguyên nhân khác nữa.
Nếu một số podcast dài 40 phút vẫn có người nghe tới những phút cuối, nhưng một số 20 phút lại chỉ giữ được người nghe ở 10 phút đầu tiên, nghĩa là bạn cần cải thiện về nội dung chứ không phải về thời lượng.
Điều này cũng khiến chúng ta có thắc mắc thứ hai được nhắc tới trong số podcast:
Chia một tập podcast thành nhiều số để phát sóng
Đây là cách thiết kế nội dung không hiếm ở các kênh podcast hiện tại ở Việt Nam, thông thường được những bạn làm nội dung dạng phỏng vấn sử dụng để chia các bài phỏng vấn dài thành nhiều số có thời lượng ít thách thức người nghe hơn. Ví dụ của cách làm này phải nhắc tới podcast Ta đi Tây.
Tuy nhiên cách làm này cũng tạo cảm giác cho người nghe rằng podcaster làm vậy để có thêm số phát sóng mà thôi. Thử tưởng tượng nếu số podcast dài liên tục 40 phút mà chỉ giữ chân được người nghe ở 10 phút đầu tiên thì liệu họ có muốn nghe 30 phút còn lại hay không? hay chúng ta đang … đánh lừa người nghe để bấm vào nghe rồi nhận ra sai lầm của họ?
Cho nên, thay vì nghĩ tới việc chia một tập podcast thành nhiều số, hãy nghĩ tới chia nội dung thành nhiều số podcast với lịch phát sóng bài bản.
Thay vì làm những chủ đề quá rộng để nội dung bị kéo dài, hãy chẻ nó ra thành nhiều chủ đề nhỏ hơn. Điều này giống với những bài viết có nhiều tiêu đề được phân cấp, hay một cuốn sách chia thành nhiều chương, trong mỗi chương có những đề mục từ lớn tới nhỏ. Điều này giúp người đọc ngay lập tức hiểu được rằng họ vẫn đang ở trong một chủ đề.
Chúng ta khó lòng làm điều này ở các tập podcast, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm nó ở phần kịch bản của mình.
Khi phân chia một đề tài thành nhiều chủ đề lớn và nhỏ, bạn dễ dàng hình thành được một sự liên kết giữa các số phát sóng, kèm theo đó là khả năng đi sâu vào các nội dung nhỏ để thu hút người người nghe cũng như giúp họ hiểu rõ hơn về đề tài chúng ta đưa ra. Cách làm này cũng hỗ trợ bạn đưa nội dung của mình vào một thời lượng tiêu chuẩn hơn.
Thay vì | Sẽ là |
---|---|
Chủ đề này rộng quá tôi không thể ép vào định dạng x phút của kênh được | Chủ đề càng rộng thì tôi càng có nhiều nội dung để chia nhỏ thành đề tài của x tập podcast |
Tôi không thể nói hết x phút của kênh vì chỉ nói tới y phút là hết nội dung rồi | Nội dung này rất nhỏ nên nó sẽ thuộc đề tài A, trong đó có n nội dung nhỏ mà tôi có thể lựa chọn để cùng nói trong một số podcast |
Đặt tiêu đề tập là “…., phần 1” | Đặt tiêu đề tương ứng với chủ đề mà số podcast nhắc tới |
Vì podcast không có những giới hạn về thời lượng như các nền tảng khác vừa là cơ hội vừa là thử thách để các nhà sáng tạo phải tìm tòi công thức cho chính mình. Thời lượng phát sóng podcast thuộc về định dạng (format) mà chúng ta cần cân nhắc từ khi có ý tưởng podcast và theo dõi quá trình để thay đổi. Thời lượng phải phục vụ mục đích của nội dung và chiến lược phát triển của kênh. Việc chọn lựa một format với giới hạn thời gian sẽ tạo thách thức đồng thời cơ hội để podcaster rèn luyện khả năng phát triển nội dung. May mắn rằng chúng ta hoàn toàn chủ động về thời lượng phát sóng, cho nên bạn không bắt buộc phải giữ một format từ lúc bắt đầu ra mắt podcast.
Hãy thử nghiệm và cho Po biết bạn đã thay đổi như thế nào trong phần bình luận dưới đây nhé!