Podcast description – Phần mô tả podcast và podcast episode

Phần Mô tả podcast hay còn được gọi là tóm tắt podcast được viết ở trong hosting của show rồi sau đó được hiện ra ở các podcast directories, là các ứng dụng nghe podcast như Apple Podcasts, Spotify, Google podcasts
Nếu bạn chưa biết tới hosting hoặc RSS thì cứ bỏ qua và chuẩn bị phần mô tả này ở một file doc trên máy để sử dụng sau này. Những kiến thức kỹ thuật mình sẽ chia sẻ ở tuần kế tiếp trong series.

Cũng cần phải làm rõ rằng có 2 loại nội dung của phần mô tả này, một là podcast description là phần mô tả cho show và hai là phần mô tả cho từng tập podcast. Ta có thể gọi tên là podcast description – dùng cho cả show và episode description – tóm tắt hay mô tả từng số phát sóng.

Khi một người mở show của bạn trên các ứng dụng nghe của họ, thì họ đọc phần mô tả để biết xem liệu show này nói về cái gì? Có đúng là thứ họ đang cần tìm hay không? Một khi họ đọc tới phần này thì họ đang cân nhắc liệu có nên nghe thử hay không.

Nghĩa là phần mô tả này sẽ quyết định liệu chúng ta có thêm lượt nghe từ người dùng mới, là nơi để chúng ta thuyết phục một ai đó nghe show của mình, nên nó cũng vô cùng quan trọng. Và cũng giống như tên podcast hay cover art, bạn luôn luôn có thể thay đổi, chỉnh sửa lại phần mô tả bạn đã viết và mình thực sự khuyên là chúng ta nên làm bước điều chỉnh này sau khi podcast được hoạt động một thời gian.

Độ dài của một podcast description là bao nhiêu

Dựa vào yêu cầu của Apple podcast thì độ dài này có thể tối đa là 4000 ký tự, tuy nhiên cũng còn phải tùy vào dịch vụ hosting mà bạn sử dụng, họ sẽ cho phép lượng ký tự có thể không có giới hạn hoặc ít hơn con số này. Phổ biến nhất có thể nói tới Anchor, với lượng ký tự gợi ý là 600 mà thôi.

Lượng ký tự cho phép trên Anchor.fm

Tuy nhiên kể cả với con số 600 này cũng còn khá nhiều. Vì khi show của chúng ta được đăng trên các podcast directories thì phần được hiện ra khá hạn chế và kèm theo đó là dấu 3 chấm, giống như khi bạn đăng status trên Facebook hay Instagram vậy.

Lượng ký tự được thể hiện trên các ứng dụng nghe là khác nhau, chưa kể còn có sự khác biệt ở những thiết bị khác nhau. Ví dụ như nếu mình mở ứng dụng Podcast trên Mac thì lượng ký tự xuất hiện có thể khác với khi bạn mở trên apple podcast trên iPhone. Và nếu bạn mở Spotify trên iPhone thì cũng sẽ khác với khi mở trên một chiếc điện thoại Android khác. Phần mô tả có thể xuất hiện với người nghe khoảng tầm 70 tới 150 ký tự tùy thuộc ứng dụng và thiết bị họ dùng. Nghĩa là nếu bạn muốn viết phần mô tả tới 4000 ký tự thì chỉ có 3,75% những gì bạn viết là hiện ra trước nhất với người nghe mà thôi.

Mình liệt kê những con số này để chúng ta cùng nhận ra rằng một phần mô tả càng ngắn gọn thì càng tốt, càng những thứ quan trọng nhất, hấp dẫn nhất thì ta phải đặt lên đầu tiên để thu hút được người nghe đọc tiếp phần còn lại trong phần description hoặc tốt hơn nữa là để họ bấm nghe ngay khi thấy câu đầu tiên trong phần mô tả.

Những thông tin/nội dung cần cho vào phần mô tả?

Vậy với một loại content càng cô đọng càng tốt này thì chúng ta nên viết nó như thế nào?

Vì phần mô tả dành cho người nghe đặc biệt là người chưa biết tới show của bạn muốn kiểm tra trước khi bấm nghe hoặc follow, nên chúng ta cùng thử tư duy như một người dùng xem họ cần gì để viết nó rõ ràng nhất với họ nhé.

Một người tìm đọc phần mô tả podcast thì câu hỏi trong đầu họ có thể là:

  • Liệu show này có những thông tin tôi muốn nghe?
  • Show này hay tập podcast này sẽ mang lại cho tôi những điều gì?
  • Liệu nó có đáng thời gian của tôi hay không? (Chúng ta cần thực sự cân nhắc điều này vì trong thời buổi thông tin ngập tràn thì người nghe phải có những quyết định chọn tiêu thụ thông tin sao cho hợp lí với thời gian họ bỏ ra. Chúng ta không cần rất nhiều người nghe mà cần phục vụ nhu cầu của những người thực sự cần thứ chúng ta đang trao đi mà thôi!)

Vậy khi cân nhắc từ góc nhìn của người nghe như vậy, chúng ta nên hay không nên bỏ những thông tin nào vào trong phần mô tả của mình?

Nên:

  • Trước hết phải trả lời được show này dành cho ai?
  • Họ sẽ nhận được gì từ show này hay tập podcast này?
  • Điều gì đang chờ họ trong show và ở từng tập podcast?
  • Bạn – người host là ai, chuyên môn của bạn là gì?
  • Vì sao họ nên nghe show của bạn? Điều gì ở show này là đặc biệt hay khác biệt?

Tất nhiên là luôn có những ngoại lệ giống như với cách đặt tên podcast vậy. ũng có những người viết description theo cách mà người nghe không biết trong đó có gì, nhưng ngược lại với cảm giác mơ hồ, thì người nghe lại thấy tò mò. Tuy nhiên để viết được một copy có tính khơi gơi sự tò mò như vậy thì cũng yêu cầu một khả năng viết hay đúng hơn là khả năng dẫn chuyện cực tốt.

Không nên:

Chúng ta không nên làm gì với podcast description?

  • Nhồi nhét quá nhiều keyword. Nếu bạn cân nhắc về SEO thì hãy làm điều đó với tên của podcast và tên các tập podcast thay vì ở phần mô tả. Khác với khi đăng một bài viết, chúng ta có phần excerpt – trích đoạn ngắn hiện ra dưới mỗi kết quả tìm kiếm trên Google thì với podcast, chỉ có cover art, show name và episode title là được hiện ra thôi, cả trên apple podcast hay spotify cũng vậy.
  • Đặt các đường Links: Bởi vì không phải tất cả những ứng dụng nghe podcast đều hiện ra cho người dùng có thể nhấp vào và mở những đường link này. Thêm nữa, đường link chiếm không ít số lượng ký tự bạn có. Nếu vẫn cần để đường link ví dụ như ở trong các episode description bạn muốn người nghe tìm hiểu thêm về một khách mời thì có thể dán đường link vào một cụm từ như “tìm hiểu thêm về bạn A ở đây”.
  • Lặp từ: ‘podcast’; nhắc lại tên của tập show title hoặc tên của author, host, khách mời (nếu tên đã được nhắc tới trong phần title, nếu không thực sự cần thiết và có thể dùng từ ngắn hơn thì nên cân nhắc.)

Một vài tips viết phần description

  • Dùng các câu hỏi để giúp người nghe biết đây là thứ họ muốn nghe
  • Bạn có thể hoàn thiện hay viết phần mô tả sau khi ghi âm được một vài số podcast.
  • Bạn cũng có thể dùng chính review của người nghe để viết lại podcast description của mình. Tưởng tượng hoặc hoặc hỏi trực tiếp người nghe rằng nếu “để giới thiệu show này tới người khác thì họ sẽ giới thiêụ nó như thế nào?”
  • Khi show của bạn có sự thay đổi về hướng đi, format hay lịch phát sóng, nên nhớ cập nhật phần mô tả
  • Tham khảo, tham khảo và tham khảo. Học từ người đi trước luôn là cần thiết với những thứ learning by doing (vừa làm vừa học) như podcast. Bạn có thể tìm các kênh trong cùng thể loại trên Apple podcasts và tham khảo cách viết của họ.
  • Hãy viết như là nói, thể hiện đúng tinh thần của show bạn. Nếu đó là show giải trí vui vẻ, hãy viết đúng giọng vui vẻ, hãy giúp người nghe cảm nhận được phần nào về show của bạn
  • Đừng dành nó là nơi để bạn thể hiện bản thân. Kể cả bạn là một expert nổi tiếng đi chăng nữa thì rất có nhiều người vào xem nhưng chưa biết bạn là ai. Đừng biến phần mô tả thành một bản bio về bạn mà người xem không hiểu show này sẽ làm gì. Tuy nhiên không có nghĩa là bạn phải giấu giếm khả năng của mình, tips của mình là bạn có thể viết ở ngôi thứ 3, ví dụ như với kinh nghiệm X năm trong ngành Y, cô A sẽ mang đến cho bạn những chia sẻ thực tế mà bạn không thể tìm thấy ở nơi khác, mà cô A ở đây không ai khác, chính là bạn
  • Hãy viết chính xác những gì bạn có, đừng hứa hẹn quá nhiều mà không hoàn thành được. Vì khi người nghe có một sự kỳ vọng không được đáp ứng thì bạn rất khó để giữ chân họ
  • Less is more, mục đích của bạn là chỉ bằng 1 câu thôi cũng đủ nói hết những gì cần nói rồi

Nội dung tuần này chỉ ngắn gọn với viết mô tả và tìm nhạc cho podcast Nếu như bạn muốn sử dụng nhạc trong show của mình thì chắc chắn bài viết này sẽ mang lại cho bạn những địa chỉ tìm nhạc phù hợp và những thông tin tổng hợp bạn cần nắm rõ.
Chúc bạn thành công với bước này.
Đừng quên tham gia nhóm Làm Podcast để được hỗ trợ trong quá trình bạn thực hiện podcast!

Happy Podcasting!

Gửi bình luận

Nghe Podcast

Bài liên quan