Quảng cáo podcast trên Facebook? Trả tiền để xuất hiện ở kênh nổi tiếng

Nghe podcast trên

Có nên trả tiền quảng cáo podcast trên Facebook?

Nói về trả tiền quảng cáo kênh của mình trên Facebook hoặc quảng bá page Facebook để tăng hiển thị là câu hỏi được gửi về trong podcast tuần này. Với trường hợp của bạn Huyền Expat, khi page của bạn mới thành lập, chưa có nhiều bài viết sâu sắc có nhiều tương tác thì Po thấy không cần thiết hoặc có làm cũng không hiệu quả.

Các podcaster cần đầu tư vào nội dung để phát triển Facebook page thay vì chỉ dừng lại ở một trang để đăng các tập podcast mới. Đặc biệt các bài đăng chia sẻ đường link dẫn tới các tập podcast mà podcaster hay dùng không nằm trong những nội dung được thuật toán của Facebook ưu tiên. Cụ thể là, nếu bạn đăng một video cắt ra từ nội dung số podcast thì sẽ được đẩy lượt xem nhiều hơn so với một bài viết gắn link tới Spotify hay Anchor. Bởi vì hành động này sẽ giữ chân được người dùng trên nền tảng của họ thay vì dẫn họ tới một ứng dụng khác ngoài Facebook.

Vì thế, trước khi nghĩ tới trả tiền quảng cáo cho page hay bài đăng về podcast trên Facebook, hãy tập trung sản xuất nhiều nội dung gồm các bài viết chất lượng, hình ảnh hay video để thu hút người dùng trên mạng xã hội này. Sau đó, một khi bạn đã có bài viết “đinh” – một bài viết quảng cáo thu hút, nhận được nhiều tương tác, hãy nghĩ tới việc thử trả tiền để quảng cáo nó.

Đừng nghĩ tới trả tiền quảng cáo nếu chưa có bài viết có lượng tương tác tốt!

Bạn không nhất thiết phải có mặt trên MỌI nền tảng, nhưng hãy tìm MỘT nền tảng phù hợp để mở rộng lượng người theo dõi và tiếp cận thêm những người nghe tiềm năng. Một số ví dụ những gì mình đã làm:

  • Đăng cùng lúc podcast trên YouTube. Vì hosting mình dùng là Spreaker có tính năng phát song hành nhiều nền tảng xã hội khác như Facebook, Twitter và YouTube, nên mình kết nối các kênh mình có để hosting tự động đăng. Điểm cộng của cách làm này là hiện tại vẫn còn nhiều bạn nghe podcast trên YouTube thay vì các trang audio khác, thế nên chúng ta có thể sử dụng các từ khoá để người nghe tiềm năng tìm được tới mình qua công cụ tìm kiếm trên YouTube.
  • Đăng video đoạn trích trên IG và Facebook. Nếu bạn sử dụng IG thì rất tiện vì lợi dụng được thuật toán của họ để tăng lượng follow, đồng nghĩa với việc tăng độ nhận thức về kênh podcast của mình. Tuy nhiên, với bất kể nền tảng MXH nào, chúng ta cũng phải làm việc rất chăm chỉ và tạo nội dung thường xuyên, như vậy mới duy trì được “sức sống” của kênh đó, do dòng đời của nội dung trên những kênh này khá thấp.
  • Đăng kèm bài viết, show-notes để tăng hiển thị trên kết quả tìm kiếm Google. Đây là việc mình làm từ những ngày đầu tiên làm podcast – 2016! Bởi vì podcast còn là một thứ quá mới ở Việt Nam thời điểm đó, bản thân mình lại chưa muốn kết hợp làm YouTube, thế nên việc dùng blog là sự lựa chọn tốt nhất để nhiều người biết tới podcast của mình và podcast nói chung.

Làm sao để được xuất hiện trên các kênh podcast?

Guest-podcasting và cross-promotion

Guest podcasting là việc chúng ta xuất hiện và trao đổi trên các kênh podcast để giới thiệu bản thân mình nhằm tăng ý thức về thương hiệu cá nhân/sản phẩm, dịch vụ, cũng như tiếp cận lượng khán, thính giả mới, sau đó có thể biến họ thành người theo dõi/khách hàng của mình.

Kể cả không phải podcaster thì cũng nhiều người đang làm cách này để quảng cáo về họ. Các nhà văn, doanh nhân hiện giờ đã lồng ghép guest-podcasting như một phần trong chiến lược marketing của mình. Với podcaster thì càng không thể bỏ qua cơ hội này, không chỉ là để quảng bá bản thân trên kênh khác mà còn là để tạo content và cơ hội thu nhập. Một trong những ví dụ về cách kiếm tiền của podcaster là để khách mời book lịch và thậm chí trả tiền để được xuất hiện trên kênh của chúng ta.

Với sân chơi podcast còn hạn hẹp ở Việt Nam, việc xuất hiện chéo trên các kênh là điều cần được khuyến khích, bởi vì chúng ta cùng tiếp cận một nhóm công chúng: người thích nghe podcast. Sau đó, chúng ta cũng cần lượng khách mời để tạo nội dung, chưa kể tới khách mời là podcaster sẽ dễ đảm bảo chất lượng thu âm đầu vào hơn so với các khách mời không có công cụ thu audio như chúng ta.

Cross-promotion là cách các kênh podcast giới thiệu chéo lẫn nhau để tăng hiển thị. Ở đó, không nhất thiết các podcaster phải xuất hiện như khách mời trên kênh khác. Kênh Before Breakfast mình hay nghe là một ví dụ, cô Laura – host của show thường đọc giới thiệu kênh podcast khác, thường là các kênh trong cùng đài iHeart Radio mà kênh của cô cũng thuộc đài này. Việc mình dành Mùa 4 với Q&A hay ở Mùa 3, mình có phần giới thiệu các kênh podcast mới cũng là ví dụ khác thể hiện về cross-promotion.

Không nhất thiết chỉ những kênh có lượng người nghe áp đảo mới có những vị trí quảng cáo này, bạn hoàn toàn có thể bổ sung phần (segment) quảng cáo này trên podcast của mình và sử dụng nó như dịch vụ để tạo nguồn thu. Và bạn không cần chờ tới khi kênh của mình có một lượng người nghe nhất định để đi pitching vị trí quảng cáo này ở những kênh khác, miễn là bạn đã có nội dung và ra mắt các tập mới thường xuyên, còn lại là tuỳ thuộc yêu cầu đề ra từ kênh nhận quảng cáo.

Điều khác biệt của cách làm này với guest-podcasting là các kênh không nhất thiết phải cùng chủ đề và bất kể format của bạn là gì, bạn chỉ cần lồng ghép một đoạn quảng cáo do bạn đọc hoặc làm sẵn để lồng vào số podcast.

Chuẩn bị những gì khi đi pitching bản thân với các kênh podcast khác

Vậy làm sao để tiếp cận các kênh podcast khác để trở thành khách mời trên kênh của họ hay cross-promotion giữa các kênh?

1. Để trở thành khách mời trên podcast #guestpodcasting

Po sẽ tóm tắt các bước như sau:

Bước 1: Tìm show bạn muốn được xuất hiện để trở thành khách mời

Nên lưu ý tìm những show nằm trong cùng đề tài với kênh của bạn (cùng categories) hoặc chia sẻ những nội dung liên quan tới lĩnh vực mà bạn xây dựng hình ảnh cá nhân.

Show phải có format có cơ hội làm khách mời hoặc ở dạng thảo luận panel discussion.

Bước 2: DO YOUR HOMEWORK

Bạn BẮT BUỘC phải nghe và tìm hiểu về kênh podcast trước khi liên hệ. Đây là sự tôn trọng tối thiểu bạn dành cho đối tác và cho chính thời gian quý giá của mình.

Tiếp đó, cần biết rằng mình MUỐN gì ở lần tiếp cận này. Nghĩ như đây là một kế hoạch marketing của mình vậy, nếu bạn chỉ nghĩ rằng mình cứ được lên podcast của người khác là đã xong mà chưa nghĩ tới mục đích khác thì thành công của cố gắng này không khác gì một sự may rủi.
Nếu mong muốn của bạn là được thử nghiệm làm speaker, được xuất hiện trên podcast như một kinh nghiệm, trải nghiệm vui thì cũng đừng đặt nặng quá nhiều ở những con số sau buổi phỏng vấn mà tập trung để làm tốt nhất vai trò khách mời của mình.

Cụ thể, bạn cần biết ít nhất những thông tin:

  • Tên host, thông tin cơ bản và nội dung chính của podcast;
  • Nghe trọn một vài số podcast và ghi chép những điểm có thể dùng để cá nhân hoá trong phần pitching;
  • Họ thường để CTA ở phần nào và thảo nội dung đó ra sao;
  • Các trang mà họ đang dùng để quảng bá nội dung và bạn muốn được xuất hiện ở những nội dung/nền tảng nào;
  • CTA bạn muốn được chia sẻ. Ví dụ: thông tin về sách hoặc sản phẩm sắp ra mắt, hoặc kênh podcast hay trang cá nhân của bạn.

Bước 3: Chuẩn bị nội dung pitching để liên hệ

Bạn có tin rằng tới giờ mình vẫn viết riêng email cho mỗi khách mời khi mời họ lên podcast không? Po cũng chuẩn bị một biểu mẫu thư sẵn để không quên những nội dung cần viết cho mỗi email, tuy nhiên, việc tuỳ chỉnh riêng từng trường hợp sẽ khiến thư của mình chân thật và tôn trọng người nhận hơn. Chia sẻ ngoài lề là mình thường nhận được những email gặp những lỗi rất kỳ, ví dụ như gọi mình là “anh/chị”, hoặc gọi sai tên. Đây là những lỗi mình nghĩ rằng Không thể tha thứ được!

Hãy viết email, nếu không tìm được thông tin này thì hãy tìm trang Mạng xã hội mà họ sử dụng, nhắn tin và xin địa chỉ email. Bởi làm việc bằng email sẽ chuyên nghiệp, rõ ràng và dễ dàng tra cứu về sau thay vì tin nhắn.

Viết email ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề! Thời gian là vàng là bạc. Hãy giữ email đầu tiên thật mạch lạc, ngắn nhưng đủ thuyết phục. Sau khi họ trả lời với sự quan tâm, lúc đó mới vào nội dung chi tiết.

Về nội dung của thư pitching, bạn cần cân nhắc những phần chính sau đây:

  • Bạn cần giới thiệu bản thân mình là ai, bạn có kênh podcast nào, nội dung của bạn bao gồm những gì, và nhóm đối tượng thính giả mà bạn hướng tới là ai;
  • Những điều bạn muốn chia sẻ nếu được xuất hiện trên podcast của họ: Nếu được hãy giảm khối lượng công việc cho họ bằng cách đưa ra cụ thể ý tưởng bạn có cho tập podcast là gì. Đồng thời, vì đã nghiên cứu trước, hãy đưa ra ý tưởng nội dung KHÔNG TRÙNG LẶP với những gì họ đã làm trước đây với các khách mời khác. Nếu lặp lại chủ đề, hãy đi vào chi tiết hoặc đưa ra góc nhìn khác biệt.
  • Nếu từng xuất hiện ở một nguồn nào đó uy tín hay từng là khách mời ở kênh khác, hãy bổ sung dẫn chứng để tăng sự uy tín.
  • Thông tin liên lạc của bạn: Email, Facebook, Linkedin, Website, Youtube, etc…

2. Tham gia network của podcaster để #crosspromote

Bạn nên tham gia vào các hội nhóm của podcaster, hiện tại chúng ta có nhóm podcaster lớn nhất là Cộng đồng “chơi” podcast ở Việt Nam

Ngoài ra, bạn nên nghiên cứu làm Media Kit để dành quảng cáo cho kênh khác hoặc ngược lại. Trên trang cá nhân hoặc Nhóm kín của mình, Po chia sẻ về phần cross-promotion này từ Mùa 3 tới giờ để các bạn podcaster mong muốn được xuất hiện trên kênh của mình đăng ký.

Hy vọng các bạn podcasters sẽ kết nối nhiều hơn và thực hiện việc cross-promotion này như đúng tiềm năng của nó để phát triển cộng đồng của chúng ta cũng như mang nhiều người nghe tới nền tảng podcast hơn, nhất là việc tìm kiếm các kênh tiếng Việt của người nghe hiện giờ còn rất hạn chế.

Nếu bạn muốn được quảng bá về kênh của mình, hãy tham gia gửi câu hỏi về trên Làm podcast hoặc với vai trò khách mời. Mọi thông tin đăng ký đã được cập nhật ở trang Gặp Link Po

Cám ơn bạn Diệu Huyền của kênh Huyền Expat đã gửi câu hỏi tới Làm podcast.

Podcast Huyen Expat là một dự án truyền cảm hứng được host bởi Huyền Trần, Thạc sỹ Truyền thông & Phát triển tại Mỹ, đồng tác giả và chủ biên sách “Gần như là nhà”. Huyền có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và giáo dục ở Mỹ. Mùa hè năm 2021, Huyền trở về Việt Nam sau 11 năm sống ở nước ngoài. Huyền làm podcast để chia sẻ góc nhìn đa chiều thú vị về văn hoá Việt – Mỹ, câu chuyện lội ngược dòng, triết lý sống và phát triển bản thân.

Tìm hiểu thêm về kênh Huyền Expat tại: Link Spotify Google Podcasts

Bình luận

Cùng chủ đề