Vì sao lại khó đo lường một kênh podcast?
Thật bất ngờ câu hỏi mình thấy nhiều nhất dạo gần đây trong cộng đồng podcasters là làm sao để đo được mức độ phủ sóng của podcast qua số người đăng ký và lượt nghe! Có thể mọi người chuyên nghiệp hơn và cũng quan tâm tới chỉ số, đánh giá hơn chứ những dân làm podcast từ thuở sơ khai như mình thì chả dám nhìn vào số liệu. Bởi vì nếu nhìn vào đó thì chưa chắc đã bị những con số lèo tèo bóp chết từ lâu rồi.
Nói thực là những công cụ phân tích số liệu của podcast có khá nhiều, nhưng lại không chuyên về 1 công cụ mạnh hẳn như kiểu Google analytics cho website nên việc có nhiều công cụ lại không hữu ích mấy với các podcasters.
Lí do cho sự phân tán của các con số đo lường này, theo phỏng đoán của mình là vì podcast được phát ở rất nhiều nơi chứ không chỉ 1 trình duyệt hay 1 nền tảng như Youtube. Bản thân mình không phải người làm nội dung web chuyên nghiệp hay Digital marketing nên không thể đánh giá hay nắm rõ những điều gì cần biết để đánh giá mức độ lan tỏa của nội dung.
Nên nhìn số liệu ở đâu là tốt nhất?
Theo cá nhân mình thấy thì không nơi nào có thể cung cấp số liệu đầy đủ nhất của một kênh podcast bằng chính hosting của kênh đó cả. Vì sao? Hãy nhớ lại câu chuyện rằng RSS feed là ngôi nhà mà nơi podcast của chúng ta trú ngụ. Nhờ hosting dẫn lối mà podcast mới vươn ra các ứng dụng hay nền tảng nghe khác nhau. Nên không ai nắm rõ số liệu nhất ngoài anh hosting cả.
Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là những con số hiển thị trên các kênh hosting về lượt nghe – listens (Con số này giống lượt view của Youtube hay visit của website) sẽ là tổng hợp từ nhiều nơi mà podcast của bạn được phát.
Tiện đây mình cũng muốn nhấn mạnh lại tầm quan trọng của một trang hosting. Đặc biệt là ở nhiệm vụ kết nối podcast của bạn tới nơi có người dùng (podcast library), thì cũng giống như bạn viết sách mà không được phân phối trên những quầy kệ thì chả thể bán nổi.
Câu chuyện từ bản thân mình là đã có lần tìm thấy The Blue Expat trên một vài ứng dụng lạ hoắc chưa từng nghe tên. Tìm ra thì thấy họ chỉ đăng podcast của mình tới tập mà mình vẫn dùng dịch vụ host của libsyn.com. Sau khi mình đổi hosting mới thì họ không nhận được thêm số liệu nữa.
Cũng có lần mình đặt câu hỏi trên nhóm ‘Cộng đồng những người ‘chơi’ podcast’ là các bạn nghĩ sao khi các trang hỏi hoặc không hỏi ý kiến mình để đăng podcast của mình trên đó. Bởi vì mình thấy kỳ là các app của Việt Nam rất chịu khó liên lạc để xin phép đăng podcast trong khi các trang khác họ chỉ lấy kho số liệu từ các hosting để phát mà thôi, như là web scraping vậy. Mà nói tới đây mình không hiểu hosting có chơi 2 mang là lấy tiền của cả creators lẫn nhà phát không nữa?! 😕
Dành cho người dùng Anchor
Mình hiểu thắc mắc của các podcasters mới vì đa phần chúng mình dùng Anchor.fm, mà số liệu của Anchor thì đang cải thiện dần dần. Dù sao thì đây là dịch vụ miễn phí nên chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều.
Thêm một câu hỏi nữa là vì Anchor thuộc Spotify nên mọi người cũng hỏi số liệu trên Anchor phản ánh một mình Spotify hay là tổng hợp tất cả? Câu trả lời là tất cả.
Nhưng nếu bạn thấy sao nó lèo tèo vậy, thì mình tạm thời giải thích là Anchor distribute – phân phát podcast không được rộng rãi cho lắm. Điều này có thể là vì Anchor có hệ sinh thái riêng và cả đường hướng phát triển của Spotify nữa nên nếu không tự nộp thì có thể các directories cũng không tự động scrap data từ Anchor về giống như khi mình dùng libsyn trước đây.
Còn trong các số liệu của Anchor thì có phần giới tính và độ tuổi được ghi rõ là Source: Spotify. Ở phần này Anchor lấy số liệu từ phân tích người dùng của Spotify nên dĩ nhiên là chỉ phản ánh được về lượng người nghe podcast trên Spotify mà thôi.
Thông thường các hosting cũng dùng các data người nghe được cung cấp bởi một bên thứ 3 nào đó hoặc một đơn vị mở rộng của họ.
Phân tích các chỉ số trên Anchor
Đoạn này mình lược dịch từ bài gốc của Anchor và bổ sung một số ý của bản thân. Bạn nào giỏi tiếng Anh có thể tới thẳng link gốc để đọc hướng dẫn.
Số liệu về kênh
Để tìm số liệu tổng quát về kênh podcast, bạn cần vào phần DASHBOARD.
1. Có bao nhiêu nền tảng đang phát podcast của bạn
Trước khi nhìn vào các con số, hãy để ý tới phần giới thiệu. Ngoài những nền tảng mà Anchor tự kết nối được thì bạn cũng có thể tự đăng lên nơi khác và sẽ không được hiện ở mục này. Có một số nền tảng bạn phải tự đăng podcast lên đó, bằng cách tạo tài khoản Podcaster hoặc Creator rồi nhúng RSS feed lấy từ Anchor để họ lấy dữ liệu. Ví dụ như mình dùng app Stitcher và tự gửi podcast lên đó nhưng không được hiện ở danh sách mà Anchor liệt kê.
2. Số lượt phát – Total Plays
Lượt Play này được tổng hợp từ tất cả số lượt mà các tập podcast của bạn được phát trực tiếp hoặc tải về từ tất cả các nền tảng. Số liệu này có thể thực: người nghe chủ động mở và có thể ngẫu nhiên: hiện lên ở chế độ Shuffle khi mà người nghe không chủ đích bật.
Số liệu này chỉ hiện lên khi bạn đã có trên 5 lượt nghe.
3. Lượng thính giả ước tính – Estimated audience
Dữ liệu này được ước lượng dựa trên số lượt phát trung bình mà mỗi tập của bạn nhận được trong 30 ngày đầu tiên sau khi xuất bản.
Nó dựa vào tập mới nhất! Nghĩa là con số này sẽ dao động dựa trên tần suất bạn xuất bản các tập mới
Các nền tảng hay ứng dụng Podcast khác với Youtube hay các nền tảng nội dung ở chỗ không hiển thị số lượng người đăng ký. Chính vì thế con số này có thể khiến bạn hình dung số người theo dõi podcast của mình.
4. Người nghe thân thiết – Unique listeners
Tạm gọi là người nghe thân thiết (vì ở trên có nói không hiện người đăng ký rồi nên nếu dùng từ subscribers để diễn tả thì có thể làm nhiễu thông tin).
Đây là những người đã theo dõi và tải ít nhất một tập podcast của bạn trong vòng 7 ngày. Vì không chắc người này đăng ký podcast của bạn nên khái niệm người nghe duy nhất này được ra đời.
5. Hiệu suất – Podcast performance
Gồm 2 đồ thị Plays – lượt nghe và Top episodes. Đây là 2 đồ thị mình nghĩ rất quan trọng trong việc định hướng nội dung!
Những chấm màu tím thể hiện ngày bạn đăng một tập mới. Thông thường đây là ngày sẽ có lượt nghe cao hơn vì người đăng ký sẽ vào nghe nhiều.
Tuy nhiên, nếu không phải do tập mới mà đồ thị lại đạt chóp thì sao? Đây có thể là kết quả từ một bài đăng trên Mạng xã hội; hoặc khi bạn được làm guest trên một kênh podcast khác; hay một ai đó nhắc tới kênh podcast của bạn; v.v… Nói chung là một hoạt động marketing nào đó đã mang về lượt nghe đáng kể cho bạn. Là hiệu suất đánh giá giúp bạn điều chỉnh kế hoạch quảng bá podcast.
Trục ngang chỉ có tháng, trục dọc chỉ có con số ước tính, nên khi bạn đưa con chỏ tới các đỉnh chóp, bạn sẽ thấy số liệu lượt nghe chính xác, tuần cụ thể, 3 số podcast được nghe nhiều nhất và lượt nghe của từng tập trong thời gian 7 ngày đấy.
Điều gì cần chú ý ở đây? Nếu đó là ngày bạn ra tập mới thì không phải số lượng lượt nghe tập mới là quan trọng nhất. Bởi vì theo mình nghĩ, rất có thể một người mới tìm đến podcast của bạn và ngay khi nghe xong tập đầu, họ dò tới tập khác. Và 2 số podcast có lượt nghe nhiều còn lại phải có điểm gì đó thu hút người nghe, ví dụ như Episode title?
Biểu đồ này thì dễ hiểu rồi, bao gồm 10 tập có nhiều lượt nghe nhất trong khoảng thời gian bạn đặt ở đầu để review. Điều này có nghĩa là bạn cần đủ số lượng bài đăng, nhưng chỉ cần 3 tập là đủ để có biểu đồ rồi. Để biết chính xác tới từng số lẻ, bạn chỉ cần đưa chuột vào các cột để hiển thị.
6. Vị trí địa lý, giới tính, độ tuổi và nơi nghe – Geographic location, gender, age and listening platform
Các con số này thì quá dễ hiểu nên mình không phân tích nhiều. Nếu bạn muốn biết người nghe ở tỉnh thành nào nhiều nhất thì chỉ cần nhấp vào tên nước là sẽ hiện ra % từ các tỉnh thành. Listening platform giúp bạn nhận biết người nghe bạn tới từ nền tảng nào để nhấn mạnh quảng bá podcast trên các nền tảng đó. Hoặc cũng để bạn nghĩ chiến lược mở rộng lượng người nghe ở các nền tảng khác.
Số liệu từng tập
Để biết số liệu từng tập, bạn vào EPISODES, chọn dấu °°° bên phải mỗi tập và vào View episode details
Trong phần này thì ngoài 2 biểu đồ quen thuộc ở phần dashboard thì bạn cần quan tâm tới biểu đồ Episode performance thể hiện Retention rate.
Retention rate là Thời lượng mà bạn giữ chân người nghe suốt một tập podcast.
Biểu đồ này sẽ giúp bạn lên kế hoạch cải thiện nội dung cho những tập sau. Nếu bạn có ý định điều chỉnh format podcast ngắn lại thì con số này sẽ cho bạn gợi ý rõ ràng nhất. Nếu các tập của bạn có độ dài cả giờ đồng hồ nhưng người nghe đa phần nán lại nghe tới cuối thì chúc mừng bạn đã có những nội dung hấp dẫn và thu hút đối tượng nghe của mình.
Tuy nhiên, sự chính xác của số liệu này cũng khá tương đối, vì nó chỉ được đo từ một nền tảng là Spotify mà thôi.
Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn những chỉ số dùng để đo lường hiệu suất trong podcast. Các hosting khác có thể sẽ có thêm phân tích dữ liệu hoặc cách trình bày khác. Tuy nhiên, về mặt bằng chung thì họ đều có các chỉ số
- Total plays hoặc Total download,
- Lượt nghe hàng ngày
- Số lượng người nghe ước tính trong khoảng thời gian bạn chọn để đánh giá
- Retention rate
- Vị trí địa lý, giới tính, độ tuổi và
- Ứng dụng hay thiết bị người nghe sử dụng.
Mong là với bài phân tích trên Anchor này, bạn có thể hiểu hơn cả với số liệu trên hosting bạn dùng.
Chúc bạn thành công với podcast!
Happy podcasting!
Jen
cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin này