Vì sao lại là podcast chứ không phải một nền tảng phổ biến như Youtube?
Seth Godin được mệnh danh là bậc thầy về internet marketing đã từng nói “Podcasting is the new blogging”. Ông nói thêm, Podcast là sân chơi Open mic để những ai muốn nói điều gì đó có cơ hội thể hiện mình để tìm cộng đồng của họ những người tin vào họ và luôn sẵn sàng lắng nghe họ chia sẻ.
Vậy điều gì khiến podcast trở thành trào lưu với những nhà marketing? Tập này sẽ trả lời những ưu điểm của podcast và những lí do để bạn bắt đầu một kênh podcast bằng tiếng Việt.
Nội dung chính
- Những đặc tính nổi bật của podcast
- Lợi ích khi làm podcast
Những đặc tính của podcast
1. Nghe podcast là một cách tiếp cận thông tin vô cùng thuận tiện
Podcast giúp bạn tiếp cận người nghe gần như bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Hầu hết mọi người đều có một chiếc điện thoại thông minh và wifi, 3G-4G tốc độ cao, Họ có thể đăng ký và nghe chương trình của bạn bằng một vài lần chạm.
Quan trọng hơn, họ chỉ cần đôi tai của họ để trải nghiệm thông điệp của bạn.
Người nghe Podcast muốn có ai đó ở bên họ khi họ đang di chuyển hoặc làm một nhiệm vụ mang tính lặp đi lặp lại như làm việc nhà, tập gym, chạy bộ, v.v…
Trải nghiệm với podcast giống như có thêm một người bạn đồng hành. Nó giúp người nghe vừa đốt thời gian, vừa làm cho công việc nhàm chán trở nên dễ chịu hơn.
Và chính vì thói quen nghe podcast và multitask mà người nghe thường dành nhiều thời gian với show của bạn hơn là các hình thức thông tin khác.
2. Tạo được niềm tin và xây dựng một lượng fan trung thành
Rõ ràng so với những con chữ trên blog hay sách thì được nghe bạn nói sẽ khiến người nghe cảm thấy gần gũi hơn. Đó cũng là lí do nhiều nhà văn, người viết có cả podcast riêng chứ không chỉ website và blog của họ nữa.
Điều làm cho phương tiện này trở nên đặc biệt là hàng ngàn người có thể tải xuống podcast của bạn nhưng khi được sử dụng, nó lại gần giống như bạn đang nói riêng với từng người trong số họ.
Podcast là một phương tiện mạnh mẽ vì chúng cho phép bạn kể chuyện và kích thích trí tưởng tượng trong khi tạo ra một kết nối sâu sắc giữa bạn và người nghe.
Điểm mạnh của podcast tiếng Việt là truyền thông tin đúng với âm sắc, biểu cảm mà bạn muốn truyền đạt qua con chữ, giúp truyền tải thông tin chính xác hơn và có khả năng tạo cảm xúc trong người nghe hơn là dạng blog.
Khi họ bắt đầu hình thành thói quen nghe podcast của bạn, với họ bạn bỗng trở nên thân thiết hơn, có một sự gắn bó kỳ lạ giữa bạn và người nghe. Đây chính là điểm mạnh của podcast mà những người làm marketing hướng tới: Tạo niềm tin.
Từ việc có niềm tin và lập thói quen nghe podcast của bạn với cộng đồng người nghe, bạn sẽ tạo được cho mình một lượng fan trung thành. Với lượng fan base này, bạ trở thành người tạo tầm ảnh hưởng (influencer) và nếu bạn có ý định cung cấp một loại sản phẩm hay dịch vụ trong tương lai thì bạn đã hoàn thành bước đầu trong quá trình marketing rồi.
3. Ít cạnh tranh
Với cố gắng tìm tòi của mình thì ở Việt Nam hiện nay chỉ mới có hơn 400 podcast bằng tiếng Việt đã có hơn 10 tâp podcast. Tất nhiên bạn sẽ hỏi vì sao lại hơn 10 tập vì sự thực là rất nhiều podcast nếu chưa có hơn 10 tập thì rất dễ là đã ngưng hoạt động hoặc đang còn quá mới, cũng có nghĩa là nếu bạn bắt đầu một podcast ngay bây giờ thì xuất phát điểm của họ và bạn không quá chênh lệch.
Con số chưa tới 450 podcast này còn quá nhỏ so với lượng người nghe và nói tiếng Việt nếu nhìn ở diện rộng, còn khi cho lên bàn cân với các nền tảng khác thì thật quá nhỏ bé phải không nào.
Còn với thế giới thì sao?
Theo thống kê của Apple Podcast, tới tháng 1 năm 2021, có 43 triệu episodes đã được đăng trên nền tảng này. Trong khi đó, có ít nhất 300 giờ videos được đăng tải mỗi phút lên Youtube. Đây là con số có sự liên quan lớn nhất để chứng minh rằng thị trường podcast còn đang trong quá trình chập chững những bước đầu tiên. Nói gì thì nói với một ngành được ra đời mới đạt được 1 thập kỷ và không có 1 công ty cụ thể và to lớn như Google đứng sau thì tiềm năng của nó còn chưa được khai thác triệt để.
4. Thật sự rất dễ và không mấy tốn kém để bắt đầu một podcast
Để làm podcast thì cần những gì?
Nội dung – Content
Podcast cover art
Thiết bị thu âm
Phần mềm thu âm và chỉnh sửa
Một dịch vụ hosting để lưu trữ và phát podcast tới Apple Podcast, Spotify, Google Podcast , v.v…
Bạn có thể bắt đầu một kênh podcast bằng những gì bạn đã có: một chiếc máy tính, điện thoại và tai nghe có kèm mic. Nếu muốn bắt đầu một kênh podcast có chất lượng âm thanh tốt ngay từ đầu, bạn có thể dùng một chiếc mic có chống ồn (noise cancelling) loại kẹp vào ve áo hoặc một chiếc mic có đầu cắm USB để kết nối với máy tính. (Tất cả những thông tin để chuẩn bị thu âm mình sẽ nói cụ thể trong series Làm Podcast với The Blue Expat, các file pdf hoặc blog.)
Phần mềm chỉnh âm thanh miễn phí như Audacity có đủ hướng dẫn trên trang wikipedia của họ để bạn làm quen với việc sản xuất. Với một tập podcast được thu tiếng ổn định thì việc chỉnh sửa rất dễ dàng.
Để host dữ liệu của podcast cũng có những dịch vụ miễn phí cho những show có ít dung lượng lẫn lượt nghe, nên chi phí này có thể bằng 0 cho những người mới.
Lợi ích của việc lập một podcast
- Public speaking
Bạn sẽ được rèn kỹ năng nói cho đám đông rồi tới một ngày là nói trước đám đông. Bạn sẽ học được cách viết làm sao cho hấp dẫn, rồi nói làm sao cho trôi chảy, đọc mà như không có script và thậm chí có thể ứng biến không cần script luôn. - Học kỹ năng mới
Kỹ năng cứng: sản xuất nội dung, âm thanh, sử dụng thuần thục các công cụ viết lách, lên kế hoạch và đặt lịch đăng bài, các công cụ họp online, v.v…
Kỹ năng mềm: quản lý thời gian, kết nối với khách mời qua email hoặc DM, kết nối với người nghe. - Vui
Khi làm podcast dạng phỏng vấn, bạn sẽ có lý do chính đáng để được trò chuyện 1-1 với những người mà ngày thường hiếm khi bạn có cơ hội tiếp cận.
Podcast là nơi cho mình rất nhiều niềm vui. Tự tin hơn và hạnh phúc hơn khi thấy mình làm được một thứ gì đócó ích. Podcast cũng là nơi giúp kết nối được với nhiều bạn có tư tưởng và suy nghĩ giống mình.
Còn điều gì khiến bạn ngần ngại mà không thử sức với podcast? Chia sẻ trong phần comment dưới đây để mình giải đáp những băn khoăn của bạn nhé! Hẹn gặp lại ở số sau!
Happy Podcasting!