Private Podcast Xu hướng mới 2022 không thể bỏ qua

Thay vì nỗ lực chiếm được trái tim số đông và tìm cách khiến mình nổi bật giữa rất nhiều kênh podcast khác, Podcaster chuyển hướng tập trung vào chiến lược tiếp thị sản phẩm – Private Podcast của mình tới những người cần và đang đi tìm chúng.

Nếu bạn đang là một Podcaster, hoặc một trong những nhóm sau: Digital Creator (Nhà sáng tạo số), Solopreneur (người kinh doanh hoạt động một mình, đa phần là sử dụng phương tiện Internet) hay Course Creator (Những người sáng tạo khoá học online) thì không thể bỏ qua xu hướng Podcast này. Nhen nhóm rõ rệt hơn từ đầu năm 2022 nhưng hiện tại, Private Podcast đang dần trở nên và sẽ càng nóng hơn trong thời gian tới!

Đây là một bước tiến mới trong công nghệ phục vụ ngành podcast đó là khả năng cá nhân hoá và phân phát RSS feed một cách riêng tư đang mở ra những tiềm năng mới của việc sử dụng định dạng nội dung này đặc biệt trong việc phát triển mối quan hệ với khách hàng (CRM) hoặc truyền thông nội bộ.

Có thể nói, nhờ có công nghệ RSS mà chúng ta có cách mạng về blog sau đó là podcast. Giờ đây công nghệ này đã được tối ưu hơn nữa, xu hướng Private Podcast (Podcast Bí mật) mới xôn xao gần đây nhưng đã được nhiều Nhà sáng tạo số áp dụng, giải thích cá nhân của mình là vì nó đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng. Bởi thế mới nói, podcast có thể tăng trưởng chậm nhưng lại ổn định và không ngừng phát triển, ở cả quy mô của loại hình media này và cả với những người sử dụng nó.

Trước khi vào nội dung chính, cần bổ sung một thông tin để không ai bỏ sót xu hướng này. Bài viết này sẽ phân tích dựa trên lợi ích của những đối tượng hoạt động theo quy mô nhỏ: Digital Creator, Solopreneur, Course Creator. Tuy nhiên, đây không phải là những người được lợi nhất từ Private Podcast. Với xu thế làm việc từ xa (remote working), outsource nhân công bên ngoài, những tổ chức cũng cần tạo ra kết nối, trao đổi thông tin và đào tạo nhân viên của mình. Các dịch vụ lưu trữ (hosting) Private podcast mang tới cho những tổ chức và doanh nghiệp lớn này những giải pháp về lưu trữ đám mây mà người dùng toàn quyền kiểm soát người tiếp cận, tăng tính bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, việc giới hạn được người dùng và chuyên hoá về mặt phát tán nội dung, những nhà hosting này đưa ra các tính năng để tăng tương tác giữa người nghe và người đăng tải podcast.

Ví dụ, phòng media phụ trách private podcast của công ty có thể nhận báo cáo lượt truy cập và tương tác, tỷ lệ theo dõi của từng phòng ban. Ngoài ra, những người dùng có thể tương tác bằng nhiều hình thức: Tin nhắn thoại, comment trực tiếp trên podcast.

Đây là những tính năng trước giờ vẫn bị hạn chế với podcast thông thường.

1. Private podcast là gì?

Là những kênh podcast không thể tìm thấy trên những nền tảng nghe audio hay còn gọi là các danh bạ podcast. Để nghe được những kênh này, chủ nhân của podcast sẽ phân phối qua một RSS feed riêng. Người dùng sẽ sử dụng đường dẫn này trực tiếp để tìm tới kênh podcast. Sau đó, họ vẫn sử dụng những nền tảng nghe podcast có sẵn trên máy để nghe những kênh này và nhận thông báo khi có tập mới.

Nó giống như việc bạn truy cập vào những tài liệu mềm trên máy tính ở các thư viện công cộng. Bạn không thể tìm thấy chúng trên giá hay nhờ thủ thư lấy giùm. Bạn cần một quyền truy cập hay một mật mã để vào những máy tính trong thư viện và tiếp cận chúng.

Về mặt kỹ thuật, Private podcast không phải là podcast dạng subscription (nội dung có trả phí). Bởi vì với dạng subscription, người dùng vẫn có thể tìm thấy kênh podcast trên những trang audio và cần phải trả phí để nghe.

Người sở hữu những kênh private podcast có thể phát chúng miễn phí hoặc trả phí theo một hình thức trung gian, nhưng họ kiểm soát được người nghe là ai. Vì họ cần một thông tin của bạn, thông dụng nhất là địa chỉ email để gửi đường link RSS.

2. Những đặc tính tạo nên sự khác biệt của Private Podcast

Ngoài việc kiểm soát và nắm được data của người nghe, thì Private Podcast có những đặc tính riêng không chỉ có lợi cho Podcaster mà còn tạo nhiều hứng thú trong trải nghiệm của người nghe.

Khéo Se duyên cho Podcaster và người nghe

Hiện nay có quá nhiều nội dung, đa dạng cả về thể loại, hình thức, tính chất nên để cạnh tranh là điều rất khó với những người chọn Podcast làm sân chơi. Việc tìm kiếm người nghe mới đã khó. Để tìm đúng người cần nghe rồi chiếm được cảm tình để biến họ thành người nghe trung thành có tỷ lệ không khác gì chơi xổ số!

Thay vì nỗ lực chiếm được trái tim số đông và tìm cách khiến mình nổi bật giữa rất nhiều kênh podcast khác, Podcaster chuyển hướng tập trung vào chiến lược tiếp thị sản phẩm – Private Podcast của mình tới những người cần và đang đi tìm chúng.

Tính sở hữu cao hơn

Ai cũng muốn mình trở nên đặc biệt, họ khát khao những điều bí mật. Trở thành một số ít những người biết và tiêu thụ Private Podcast cho họ cảm giác về việc sở hữu thứ người khác không có. Chưa kể, họ sẽ được tham gia vào một thiểu số gồm những người nghe cùng nội dung này.

Nội dung được cá nhân hoá – Personalized Content

Để tăng tương tác và trải nghiệm của người dùng, chủ nhân của Podcast có thể tạo những đường dẫn được cá nhân hoá với từng người dùng thay vì sử dụng một đường dẫn RSS chung (Global private RSS feed).

Như vậy, trong một Private Podcast có thể có nhiều Private Podcast khác. Podcaster sẽ tạo ra nhóm người nghe, có thể bằng một khảo sát để chia nội dung và lập các đường dẫn riêng để tương ứng với nhu cầu của thính giả.

Mang Podcast lên MỘT nền tảng

Một điều mình vẫn lưỡng lự khi phát ngôn rằng liệu Podcast có thực sự là một nền tảng? liệu chúng ta chỉ nên gọi nó là một định dạng nội dung?

Bởi vì Podcast không trực thuộc một nền tảng nào đó với một ông lớn đứng sau như:

  • Facebook, Instagram là 2 nền tảng Mạng Xã hội thuộc Meta
  • Youtube là nền tảng và là công cụ tìm kiếm nội dung dạng video thuộc Google
  • Linkedin là nền tảng MXH thuộc Microsoft

Và khác với tất cả những gạch đầu dòng kia, Podcaster không có những cuộc chạy đua sát sao cùng thuật toán.

Nhưng khi chọn Private Podcast, bạn có cơ hội mang nó lên một nền tảng, thường kết hợp với hình thức thanh toán. Điều này có nghĩa là:

  • Người nghe và bạn có cơ hội kết nối và tương tác bằng nhiều phương tiện như bình luận (dạng viết và dạng tin nhắn thoại).
  • Bạn sẽ có nhiều dữ liệu về người dùng để kiểm tra mức hiệu quả của marketing cũng như tối ưu các chiến lược tiếp thị sau đó.
  • Việc CTA (Call-to-action) để nhận đóng góp và được trả phí cho nội dung rõ ràng và nhanh chóng.

3. Áp dụng Private Podcast như thế nào?

Vì Private Podcast không thể được tìm thấy trên các trang nghe thông dụng, nó không thể mang một sứ mệnh như một kênh dạng Public là để nhiều người có thể tiếp cận, cho đi một cách vô tư được. Thêm vào đó người nghe sẽ đòi hỏi tính sở hữu và bí mật của nó, cho nên Private Podcast cần được gắn với một ý đồ rõ ràng. Dưới đây mình gợi ý một vài cách để áp dụng Private Podcast:

  1. Nội dung riêng dành cho thành viên của cộng đồng Tính chất sử dụng podcast: nội dung nội bộ, nội dung bảo mật.
  2. Nội dung bổ trợ cho khoá học online/offline Tính chất sử dụng podcast: học phần, là nội dung đính kèm, hoặc quà tặng.
  3. Dành cho khách hàng Tính chất sử dụng podcast: quà tặng, tạo kết nối, tăng nhận thức về thương hiệu.
  4. Bản tin trả phí Tính chất sử dụng podcast: Tăng giá trị và sự phong phú của bản tin → yếu tố tăng giá thành.
  5. Premium Content – Nội dung cao cấp có trả phí hoặc Nội dung dành cho những nhà đóng góp, thường bằng Patreon, Buy me a coffee, Substack. Tính chất sử dụng podcast: Sản phẩm tạo thu nhập.
  6. NFTs Dù hiện tại chưa tìm được Private Podcast nào để dẫn chứng, nhưng hiện tại mình đã tìm thấy Membership (tư cách thành viên) của một cộng đồng tạo bởi một podcast, thêm vào đó, khi tham gia Creator Conference 2021, mình cũng theo dõi những trao đổi từ các creator về sử dụng NFTs trong podcast, nên hoàn toàn khả thi khi hy vọng sớm nhìn thấy mối liên hệ này.

4. Những công cụ hỗ trợ thực hiện Private Podcast

Việc thực hiện và sản xuất một Private Podcast không khác so với cách lập một kênh podcast thông thường. Để được hướng dẫn làm podcast, bạn tham khảo thêm trên BlogHướng dẫn 5 bước làm Podcast.

Để thử nghiệm với Private Podcast, bạn có thể tham khảo một số ứng dụng/hosting/nền tảng đã phát hành:

Helloaudio: Chuyển những nội dung xanh từ: Online Course, Sự kiện ảo/online, Sách nói thành Private Podcast. Một nền tảng đã khá phổ biến với những Online Course Creator.

Storyboard: Một nền tảng mới với giao diện bắt mắt dành riêng cho Private Podcast và định dạng nội dung audio

Patreon, Buy me a Coffee: Tạo những tập podcast bí mật và kêu gọi người nghe donate một cách chính đáng!

Substack: Một nền tảng nội dung, thường dùng cho những người viết. Người dùng có thể đăng bài viết và chuyển thành Newsletter, như vậy Podcast được chuyển thẳng tới email của người nghe, họ không cần thao tác thêm một app trung gian.

Nếu đã có sẵn kênh podcast trên Apple Podcasts, Stitcher, Spotify, và không muốn tìm hiểu thêm, bạn có thể lập podcast dạng trả phí. Hiện Anchor đã có hỗ trợ, ngoài ra các hosting như Podbean, Spreaker, Transitor đều đã có hỗ trợ lập Subscription podcast. Thông thường khi làm theo cách này, bạn nên chọn một nền tảng để nhắm tới và tiếp thị, bởi vì các nền tảng phụ trách thu tiền từ người dùng.

Ví dụ, bạn phát các tập podcast free trên tất cả các nền tảng nhưng dạng subscription thì chỉ được ở một nền tảng tiếp cận mà thôi. (điều này tuỳ vào thời điểm, ở thời điểm hiện tại của bài viết thì thông tin mình tìm được là như vậy)

5. Sản phẩm phát sinh: Pop-up Podcast – Điều bí mật nay chỉ mở trong vòng một tiếng!

Một Private Podcast đã bí mật, nay còn huyền bí hơn khi bị giới hạn thời gian. Với Pop-up podcast, bạn có thể đặt thời gian ra mắt và ngừng phát sóng của podcast. Như vậy, nếu người nghe không nhanh tay (và cả nhanh tai) nghe hết thì chắc chắn sẽ bỏ lỡ tới khi bạn quyết định đăng một lần nữa hoặc sẽ chẳng có cơ hội nghe nữa.

Như vậy, Pop-up podcast tạo cảm giác cấp bách với người dùng, họ sẽ không muốn bị FOMO và tiêu thụ nội dung trong một thời gian ngắn.

Vì thế việc áp dụng Pop-up podcast sẽ giúp bạn:

  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate) khi bạn sử dụng một podcast để bán sản phẩm hoặc dịch vụ thay vì các webinar thông thường hoặc kết hợp cả hai phương án này.
  • Đăng những nội dung mở rộng ngoài chủ đề của podcast để bổ sung kiến thức cho người nghe mà không làm ảnh hưởng tới bức tranh toàn cảnh về định hướng của kênh.
  • Tăng tính bí mật của những thông tin trao đi.
  • Tạo sự hứng thú và tăng tương tác từ người nghe. Đồng thời có giới hạn thời gian để kiểm tra tính hiệu quả của tập podcast.
  • Sử dụng cho những nội dung có vòng đời ngắn, ví dụ như những thông tin có tính cập nhật nhanh theo ngày, giờ.

Loại hình này có tên gọi còn rất mới và chưa được nhắc tới nhiều. Tuy nhiên, mình tin rằng sẽ được sử dụng nhiều hơn đặc biệt trong việc kinh doanh sản phẩm số trong thời gian tới.

Podcast đang phát triển theo một hướng khá riêng vì thói quen tiêu thụ của người dùng với loại hình này có một tính chất khác biệt. Thêm vào đó, công nghệ RSS sẽ còn mở ra cho nó rất nhiều tiềm năng để chuyển biến trong thời gian tới. Private Podcast chỉ là một trong số những xu hướng mới, và nó phản ánh nhu cầu của thị trường audio này: tính riêng tư khi sử dụng, nội dung đặc biệt, có giá trị cao.

Bạn nghĩ gì về xu hướng này? Bạn có thắc mắc nào thêm về cách tạo Private Podcast và muốn mình chia sẻ thêm không? Đừng ngại comment bên dưới nhé!

Nguồn tham khảo:

https://riverside.fm/blog/private-podcasts

ustudio.com

Gửi bình luận

Podcast episodes

Bài viết cùng chủ đề