Xác định người nghe lý tưởng là một bước đầu tiên và không thể thiếu trong các hướng dẫn lập kênh podcast. Có thể nói rằng ở bất cứ nền tảng nào, các nhà sáng tạo nội dung không thể bỏ qua bước này. Tuy nhiên, không phải podcaster tiềm năng nào cũng cân nhắc tới việc lập một Hồ sơ về người nghe lý tưởng (listener avatar). Thực tế trong quá trình tôi hướng dẫn làm podcast, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn chỉ tập trung vào điều bạn làm tốt hoặc chủ đề bạn yêu thích để ra được ý tưởng kênh podcast.
Mặc dù bạn sẽ lập luận rằng tôi làm podcast để cải thiện kỹ năng của bản thân, để làm cho chính mình chứ không có mong muốn nổi tiếng hay đơn giản là có thật nhiều người nghe. Cũng có nhiều bạn cho rằng giai đoạn đầu rất khó có người nghe nên cứ làm thử rồi tính tiếp. Chắc chắn với podcast, bạn sẽ cần nhiều thời gian để có được một lượng người nghe đáng kể, nhưng liệu bạn có đủ kiên nhẫn và duy trì phát sóng đều đặn để chờ tới lúc kênh của bạn được nhiều người biết tới mới tìm định hướng? Kể cả khi chưa muốn có thật nhiều người nghe, chắc hẳn bạn cũng muốn sở hữu một kênh podcast hay phải không?
Tham khảo Thế nào là một podcast hay?
Việc Xác định người nghe lý tưởng từ lúc khởi động sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian tiếp cận người nghe. Hơn nữa, nhìn về góc độ một nhà sản xuất chương trình podcast, việc hình dung người nghe tiềm năng cũng giống như vẽ được đích đến và lộ trình giúp bạn đạt hiệu suất công việc cao, đồng thời tránh những cản trở tâm lý khi làm nội dung như: mất kiên nhẫn, mất cảm hứng, bí ý tưởng và cả những hạn chế về kỹ năng như khả năng quản lý thời gian.
Làm cách nào mà một hình dung về người nghe lý tưởng có thể hỗ trợ bạn trong quá trình sản xuất podcast như vậy, ở đây tôi sẽ liệt kê 3 nhóm công việc quan trọng đằng sau một kênh podcast để giải thích điều này.
Lên Kế hoạch và thu âm
Những nhiệm vụ nằm trong nhóm công việc này không chỉ có lên chiến lược Nội dung (content strategy) mà còn bao gồm quá trình triển khai những ý tưởng đó.
Khi bạn biết được đối tượng mình hướng tới, bạn sẽ dễ dàng chọn lựa những chủ đề mũi nhọn để tạo sự chú ý và quan tâm từ những người nghe mới. Như vậy bạn sẽ lập được lộ trình cũng như chiến lược nội dung để triển khai một cách hiệu quả. Ví dụ: bạn muốn làm một nội dung tâm sự người trẻ mà ở đó chủ đề có thể dao động từ tình cảm tới học tập, nhưng vì bạn biết người nghe của mình ở những độ tuổi nào, họ thường có thói quen ra sao, các mối quan tâm của họ, những từ lóng họ hay dùng mà nội dung của bạn sẽ mang một màu sắc đúng với đối tượng người nghe đó. Bạn sẽ không thể dùng ngôn ngữ GenZ, kể chuyện trong trường học để chinh phục đối tượng 35+ đang đi làm. Một điều hiển nhiên nhưng không hẳn ai cũng cân nhắc khi làm podcast, đó chính là lí do kênh thiếu tính nhất quán giữa các số podcast, dẫn tới việc người nghe bỏ follow.
Nhắc tới làm podcast thì phải nhắc tới quá trình thu âm. Nếu bạn làm nội dung dạng solo-cast, việc tưởng tưởng và hình dung về một người cụ thể trong quá trình thu âm sẽ khiến giọng nói cũng như diễn đạt của bạn tự nhiên hơn.
Nếu bạn là người phỏng vấn, việc nắm bắt mong muốn của người nghe là rất quan trọng để có những câu hỏi trùng khớp với sự chờ đợi từ người nghe. Bởi vì khác với những buổi live-stream, sự kiện online, nơi mà người nghe có thể có cơ hội đặt câu hỏi với khách mời, ở podcast bạn đại diện cho tất cả người nghe, mang trong mình sự tò mò của họ, thậm chí đưa ra những câu hỏi mà họ chưa kịp nghĩ tới.
Tiếp cận người nghe mới và quảng bá kênh
Nắm được đối tượng hướng tới đồng nghĩa với việc bạn hiểu họ thuộc cộng đồng nào cũng như những “địa bàn” họ hay lui tới.
Tôi từng khuyên kênh với nội dung về làm cha mẹ đừng chia sẻ các tập podcast trong cộng đồng podcaster. Lượt tiếp cận của họ trên những nhóm này là rất ít, thậm chí không có một lượt Thích hay bình luận nào. Lí do vì sao? Vì ở những cộng đồng này đa phần là người trẻ, thậm chí chưa có gia đình nên nội dung này không phù hợp. Nhưng khi chia sẻ mà không nhận được phản ứng, các bạn dễ dàng nản chí, thất vọng, giảm tần suất sản xuất podcast.
Để một ai đó thử nghe podcast của bạn từ bài đăng trên Facebook, họ sẽ phải qua các bước: bấm vào đường link → mở một podcast app → nghe thử, thời gian nghe = thời lượng mỗi tập podcast. Vậy nghĩa là để họ góp cho bạn một lượt nghe có thể lấy của họ ít nhất 5 phút (nếu thời lượng tập podcast chỉ trong vòng 5 phút). Một khoảng thời gian khá dài trong rất nhiều loại hình nội dung chen nhau càng ngày càng ngắn. Vậy nên bạn đang lấy đi quá nhiều thời gian từ những người không trực tiếp được lợi từ podcast của bạn.
Không chỉ với việc tiếp cận người nghe mới, việc tìm đúng nơi có người nghe tiềm năng cũng giúp bạn kiểm chứng nội dung của mình: liệu những chủ đề của mình có sát với những gì họ quan tâm? Việc ở trong cộng đồng của người nghe tiềm năng cũng là cơ hội cho bạn tìm ra những ý tưởng nội dung, insight đắt giá.
Duy trì và định nghĩa thành công
Chia sẻ thật đi, bạn có từng so sánh bản thân với những kênh podcast hay podcaster khác? Bạn có từng mong muốn thành công giống như họ? Hoặc ít nhất bạn cũng từng bị những con số thống kê làm nản chí.
Việc xác định người nghe lý tưởng ngay từ đầu sẽ giúp bạn 2 việc:
Một là, bạn có thể định lượng được thị phần người nghe của mình;
Hai là, mục tiêu của bạn được thu nhỏ lại, vừa vặn tầm với hơn.
Cụ thể nhé!
Khi bạn có được hình dung về người nghe của mình: độ tuổi, giới tính, công việc, nơi sống, thói quen, v.v… bạn biết họ thuộc cộng đồng nào, bạn tham gia vào những diễn đàn và sự kiện mà họ tham gia, từ đó bạn có một ước tính: Nếu tất cả những người này sẽ theo dõi kênh của tôi thì con số đó là bao nhiêu. Số người nghe của tôi hiện giờ chiếm bao nhiêu phần trăm trong đó? Với số lượng nội dung và nỗ lực tôi bỏ ra thì số phần trăm này có phản ánh đúng?
Khi bạn nhìn vào số liệu thực tế, bạn có thể dễ dàng vạch định mục tiêu của mình cụ thể hơn, trong tầm với hơn. Ví dụ như thay vì nói rằng “tôi muốn có thật nhiều lượt nghe” bạn sẽ lên kế hoạch để “tăng thị phần người nghe lên 5% trong 2 tháng tới”.
Với kênh Làm podcast với The Blue Expat, tôi xác định được lượng người nghe tiềm năng của mình không nhiều, vì thế mục tiêu về lượt nghe của tôi khá khiêm tốn. Nhưng thay vì nhắm vào các chỉ số thông kê trên trang hosting, tôi nhắm tới các chỉ số khác, tương tác của người nghe là một ví dụ. Khi định nghĩa được thành công một cách thực tế và xuất phát từ mục đích của kênh, bạn sẽ không bị nản chí bởi những yếu tố làm xao nhãng.
Vậy là, bước xác định “ai là người nghe của tôi?” không chỉ đơn giản là một nước đi hướng ra bên ngoài, tìm kiếm sự ủng hộ bên ngoài mà còn là bước đi cho chính bạn, củng cố nội lực để bám sát mục tiêu và đạt hiệu quả cao hơn khi sản xuất podcast. Kể cả bạn làm podcast cho bản thân, hãy làm một kênh podcast mà chính bạn muốn nghe, hãy lập hồ sơ người nghe dựa trên những yếu tố cá nhân.
Việc hiểu đúng về người nghe tiềm năng là một bài toán xác suất, chắc chắn bạn sẽ cần nhiều lần kiểm chứng để có hình dung chính xác về họ. Để biết thêm về cách xác định người nghe lý tưởng, hãy tham gia nhóm Làm podcast với The Blue Expat cũng như theo dõi Blog để cập nhật những hướng dẫn và gợi ý nhé!